MÔ HÌNH GIEO SẠ LÚA HÀNG Ở THUỶ NGUYÊN: Mở cách làm ăn mới cho nông dân
Vào sản xuất vụ xuân năm 2011, các tỉnh phía Bắc đều gặp phải thời tiết không thuận lợi, rét đậm rét hại kéo dài, nhiều nơi mạ bị chết hàng loạt, cùng lúc đó giá vật tư, phân bón không ổn định, tăng cao, không ít hộ nông dân gặp khó khăn về vốn, nhân công.

Trong hoàn cảnh bất lợi như vậy mà nông dân huyện Thuỷ Nguyên vẫn gieo cấy được 7.000 ha diện tích lúa xuân, xấp xỉ bằng 100% diện tích cùng kỳ năm 2010. Điều đáng chú ý là trong số diện tích gieo cây lúa vụ xuân của Thuỷ Nguyên có khoảng gần 1.400 ha được gieo sạ hàng. Phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 2 của UBND thành phố về giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản trên địa bàn góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, ông Bùi Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao mô hình gieo sạ lúa hàng của huyện Thuỷ Nguyên; đồng thời kiến nghị với UBND thành phố cho tổng kết rút kinh nghiệm để nhân rộng.
Theo ông Bùi Trọng Tuấn, áp dụng phương pháp gieo sạ lúa hàng sẽ giảm được 1/3 chi phí sản xuất cho một đơn vị sản xuất, chẳng những cho hiệu quả kinh tế cao mà còn đáp ứng và phù hợp với nền sản xuất nông sản hàng hoá theo hướng CNH, HĐH.
Phương pháp gieo sạ lúa là tập quán sản xuất của bà con các tỉnh phía Nam, hiệu quả kinh tế đã rõ. Gần đây, huyện Thuỷ Nguyên chủ trương khuyến khích các xã áp dụng phương pháp gieo sạ như: giao chỉ tiêu, ngân sách huyện hỗ trợ 30 - 50% tiền mua máy sạ (trị giá khoảng 800.000 đồng/máy), 50% tiền thóc giống, mở các lớp tập huấn kỹ thuật, hội nghị đầu bờ rút kinh nghiệm... Phải nói đây là một sự đổi mới táo bạo, góp phần thay đổi tâm lý, tập quán, thói quen canh tác của người nông dân.
Theo ông Bùi Doãn Nhân, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thuỷ Nguyên, phương pháp gieo sạ không mấy xa lạ với ngành nông nghiệp huyện.
Ông Nhân nhớ lại, vụ xuân năm 1988 do bị ảnh hưởng của đợt rét đậm rét hại kéo dài từ đầu tháng Giêng đến 20-2 âm lịch, phần lớn diện tích lúa vừa cấy xong đều bị chết, gieo mạ bổ sung không kịp, một số bà con xã viên ở các HTX như Kênh Giang, Đá Bạc, Kiền Bái, Phục Lễ... tự phát dùng phương pháp gieo sạ “vãi tay” thủ công với tinh thần “được ăn cả, ngã về không”. Vụ xuân năm ấy tuy năng suất lúa ở diện tích gieo sạ không cao nhưng vẫn cho thu hoạch. Nhờ đó mà bà con nông dân Thuỷ Nguyên bước đầu rút ra được một số kinh nghiệm về gieo sạ.
Cũng theo ông Nhân thì từ vụ xuân năm 1988, tuy huyện chưa có chủ trương khuyến khích nhưng rải rác khắp các xã đều có những diện tích lúa gieo sạ, nơi ít thì vài sào, nơi nhiều thì ngót ngét trên dưới 1ha như thể vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Xu thế áp dụng công nghệ gieo sạ lúa hàng ở Thuỷ Nguyên thực sự nở rộ từ vụ xuân 2009 với tổng diện tích khoảng 80 ha) sang năm 2010 thì diện tích đã tăng lên hơn 200 ha với bà con nông dân của 18 xã tham gia. Trên cơ sở kết luận được rút ra từ các hội nghị đầu tổng kết đánh giá bờ là: “Cách gieo sạ lúa hàng theo phương pháp mới chẳng những chứng tỏ hiệu quả kinh tế cao mà còn đáp ứng và phù hợp tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương”, lãnh đạo huyện mới đi đến thống nhất quyết định các cơ chế, chính sách khuyến khích áp dụng phương pháp gieo sạ lúa hàng trên diện rộng.
Cái lợi của gieo sạ đã rõ, đi khắp huyện Thuỷ Nguyên đến đâu cũng thấy bà con nông dân bàn chuyện gieo sạ, nhưng sao việc chỉ đạo thực hiện xem ra chưa thực sự mạnh mẽ? Chúng tôi đem suy nghĩ, thắc mắc này bày tỏ với các lãnh đạo Thủy Nguyên. Ông Nguyễn Trần Lanh, Chủ tịch UBND huyện thẳng thắn bộc bạch: Việc gieo sạ lúa hàng có nhiều ưu điểm nổi trội so với cách gieo cấy truyền thống trước đây, nhưng nó cũng đòi hỏi một số một số điều kiện khắt khe mà không phải ở đâu, nơi nào muốn cũng thể thực hiện được ngay. Muốn thực hiện gieo sạ lúa hàng đạt hiệu quả đòi hỏi một số điều kiện như: nơi gieo sạ phải có hệ thống thuỷ lợi hoàn chỉnh, chủ động tưới nước, tiêu nước khi cần thiết; đồng ruộng phải bằng phẳng (điều này đối với Thủy Nguyên là một trở ngại lớn); quy hoạch đồng ruộng phải gọn, chứ cứ manh mún mỗi xã, HTX có hàng chục nghìn mảnh mà chưa dồn điền đổi thửa thì rất khó khăn cho gieo sạ hàng; bởi vậy chúng tôi không nôn nóng và cũng không chủ trương khuyến khích, vận động các vùng chưa đủ các yếu tố cần thiết...
Ông Lê Minh Luật, Bí thư Huyện uỷ, giải thích sâu về kỹ thuật chăm sóc lúa sạ: việc chăm sóc, bón phân cho lúa sạ không đơn giản như lúa cấy bằng mạ; cây mạ cấy xuống, rễ nó bám sâu vào đất bùn còn hạt lúa mới nảy mầm gieo sạ xuống nó nằm phơi trên mặt đất bùn; nếu bón phân không đúng định lượng, khi mưa gió lúa sạ rất dễ bị đổ, giập gẫy; canh giữ không tốt còn dễ bị chim sẻ phá hoại... Ông Luật thừa nhận mặc dù biết việc làm này có lợi về nhiều mặt, nhưng khi chỉ đạo phải hết sức thận trọng vì nó liên quan đến an sinh xã hội; trong tổ chức và chỉ đạo sản xuất nông nghiệp Thuỷ Nguyên đã có nhiều bài học xương máu về việc “nay chuyển, mai đổi theo phong trào” rồi.